Tin tức

Thư Giãn

THÀNH ĐÁ TÂY ĐÔ
Cập nhật: 20:07:07 | 12-08-2010

Nhà Hồ - dấu gạch nối của hai triều đại

Câu chuyện của thành Tây Đô bắt đầu từ Hồ Quý Ly và triều đại ngắn ngủi của nhà Hồ. Hồ Quý Ly (còn có tên là Lê Quý Ly, 1336–1407), là ngoại thích của họ nhà Trần, vốn người gốc ở Chiết Giang, Trung Quốc. Tổ tiên Hồ Quý Ly sang Việt Nam từ đời Hậu Hán (năm 947 - 950), định cư ở Quỳnh Lưu, Nghệ An; đến đời ông tổ tứ đại là Hồ Liêm rời đến Thanh Hóa, làm con nuôi quan tuyên úy Lê Huấn, nên đổi ra họ Lê. Lê Quý Ly có hai người cô trở thành cung phi của vua Trần Minh Tông, sinh ra hai vua Trần là Nghệ Tông và Duệ Tông. Vì lý do đó, Lê Quý Ly sớm được đưa vào làm quan trong triều Trần và nhanh chóng trở thành bậc đại thần quyền hành tối thượng, được vua Trần rất tin dùng.

Trong thời gian phụ chính triều Trần, qua các đời vua Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông… Lê Quý Ly ngày càng chuyên quyền. Mọi việc triều chính đều do Quý Ly nắm giữ, các vua Trần đều nhu nhược và thất chính. Cùng thời gian này, Đại Việt có nhiều biến động về mặt quân sự, ngoại giao. Phía bắc nhà Minh nhòm ngó, phía nam Chiêm Thành luôn mang quân quấy nhiễu. Xã hội không ổn định, nhiều nơi nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Trần.

Lợi dụng các hoàn cảnh không thuận lợi với triều chính, Quý Ly đã có âm mưu thoán đoạn ngôi từ vương triều nhà Trần. Sau hàng loạt các chính sách kinh tế, xã hội được ban ra; Quý Ly cho xây thành Tây Đô ở Thanh Hóa, với ý dời đô về đây tiện cho kế hoạch của mình.

Năm 1396, Quý Ly bức vua Trần Thuận Tông dời kinh về thành Tây Đô. Năm sau, Quý Ly lập mưu và bức vua Thuận Tông đi tu, nhường ngôi cho con - tức vua Trần Thiếu Đế, lúc bấy giờ mới 3 tuổi.

Sau khi giết vua Thuận Tông (đã đi tu), và dập tắt mưu sự của các tôn thất và tướng lĩnh muốn khôi phục nhà Trần; năm 1400, Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, lên làm vua, đổi tên ra họ Hồ, lập nên nhà Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu. Trong thời gian trị vì của triều đại ngắn ngủi của mình, Hồ Quý Ly và con trai là Hồ Hán Thương (vua thứ 2 và cuối cùng của nhà Hồ) đã có nhiều cải cách đáng ghi nhận.

Lấy cớ phù Trần diệt Hồ, năm 1406 nhà Minh đưa quân sang xâm lược. Nhà Hồ yếu thế, chống đỡ được trong một thời gian ngắn thì thất thủ. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly bị bắt, chấm dứt triều đại nhà Hồ.

Cho tới nay, lịch sử có những đánh giá nhiều chiều về Hồ Quý Ly cùng triều đại nhà Hồ của ông - một triều đại ngắn ngủi nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1400-1407). Tựu chung lại là việc ông làm với nhà Trần trái với luân thường đạo lý. Nhưng phải khách quan nhìn nhận rằng triều đại nhà Trần đã yếu và suy vong, không thể lãnh đạo đất nước và dân tộc. Nhà Hồ chưa đủ sức hay không gặp thời để tiếp tục gánh vác sứ mệnh đó. Phải đợi tới 20 năm sau, người anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng khởi nghĩa Lam Sơn đánh thắng giặc Minh, dành độc lập, dựng nên nhà Lê; thì mới thực sự là một dấu son mới trong lịch sử dân tộc. Nhà Hồ như thể một dấu gạch nối giữa hai triều đại rực rỡ Trần - Lê trong lịch sử phong kiến Việt Nam

 

Thành đá Tây Đô - kiến trúc thành lũy độc đáo

Thành Tây Đô, hay Thành Nhà Hồ, thuộc địa phận hai thôn Tây Giai, Xuân Giai thuộc xã Vĩnh Tiến và Thôn Đông Môn thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành được Hồ Quý Ly cho xây khi ông còn làm quan dưới triều đại nhà Trần, với ý đồ dời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Với tính chất và quy mô của một kinh đô nên thành được thiết kế xây dựng hết sức công phu và vững chắc. Xét về mặt quy hoạch và vị trí xây dựng, thì Tây Đô có địa thế hiểm trở, lợi thế về mặt phòng ngự quân sự hơn là một nơi thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Chỉ riêng việc dời đô về Thanh Hóa đã nói lên điều đó. Điều đặc biệt nhất và đáng nói nhất là toàn bộ tòa thành được xây bằng đá khối lớn.

Thành Tây Đô có mặt bằng hình chữ nhật gần vuông, mặt chính quay hướng đông nam, tường thành phía Nam và phía Bắc dài 877,1m và 877m, hai tường thành phía Đông và phía Tây dài 879,3m và 880m; thành có chu vi 3513,4m và diện tích 769.086m2 (khoảng 77 ha).

Thành có 4 cửa, được mở ra từ chính giữa của bốn bức tường thành bằng đá. Trục chính của thành không theo đúng hướng Bắc Nam, nhưng các cửa vẫn được gọi tên theo bốn hướng chính: Cửa Nam, Cửa Bắc, Cửa Đông, Cửa Tây (hay còn gọi là: Tiền, Hậu, Tả, Hữu). Hai con đường trục nối giữa Cửa Bắc với Cửa Nam và Cửa Đông với Cửa Tây tạo thành hình chữ thập, giao nhau nhau tại tâm điểm của tòa thành. Qua khỏi các cửa, các con đường này tiếp tục tỏa về bốn phía. Trừ con đường đi về phía Bắc hơi lệch về hướng Tây Bắc, các con đường khác đều thẳng theo hai trục chính trong thành nội. Những nghiên cứu khảo cổ học cho thấy con đường chạy về hướng Nam cũng là hướng đi tới đàn Nam Giao trên núi Đốn Sơn.

Theo các tài liệu và thư tịch cổ, cùng với việc khảo cổ, nghiên cứu hiện trạng; các nhà nghiên cứu đã xác định được các thành phần kiến trúc của tòa thành gồm: Tường thành, cửa thành, hào thành, các kiến trúc và hồ nước bên trong. Tuy nhiên trải qua hơn 600 năm, cùng sự tàn phá của thiên tai, chiến tranh, các kiến trúc đền đài cung điện hoàn toàn không còn. Các hào nước hộ thành ở bên ngoài và hồ nước trong thành còn lại ít nhiều dấu vết; còn lại nhiều nhất chính là tường thành và cổng thành bằng đá.

Tường thành tuy cũng bị hủy hoại nhưng nhiều đoạn vẫn khá nguyên vẹn với chiều cao trung bình là 5-6m, có nơi cao gần 10m như ở Cửa Nam. Mặt thành rộng 4-5m, thoải dần vào phía trong. Phía ngoài thành gần như dựng đứng với những phiến đá lớn được đẽo gọt công phu, có những phiến nặng 15-20 tấn, xếp hình chữ “công” chồng khít lên nhau và không hề có chất liên kết giữa các khối đá.

Bốn cửa thành Nam - Bắc – Đông – Tây cũng được xây bằng đá kết nối với tường thành. Tất cả bốn cửa đều sử dụng kỹ thuật - kết cấu xây cuốn vòm, với các phiến đá trên cửa có hình múi bưởi. Trong bốn cửa thì Cửa Nam (cửa chính) lớn nhất, Cửa Bắc có hình thức khối kiến trúc giống cửa Nam nhưng nhỏ hơn, các Cửa Đông và Cửa Tây giống nhau và nhỏ nhất

Cửa Nam(Cửa Tiền) dài 34,85m, độ cao hiện còn từ mặt nền hiện tại 7,65m, dày 15m, được xây thành 3 vòm cuốn, vòm giữa cao 8,50m, rộng 5,85m hai vòm bên cao 7,80m, rộng 5,455 và 5,47m

Cửa Bắc (Cửa Hậu) dài 21,34m, độ cao hiện tại còn 8,10m, dày 13,55m tạo một vòm cuốn cao 5,42m, rộng 5,80m.

Phần trên vòm cuốn Cửa Nam và Cửa Bắc, có mặt nền phẳng được xây dựng bằng đá; hiện vẫn còn những lỗ trên đá để đặt lan can và chân cột, dấu tích của một kiến trúc dạng vọng lâu bằng gỗ mái ngói như nhiều tòa thành cổ khác. Trên mặt thành cũng có hệ thống thoát nước, máng nước và dấu vết của các đầu thoát nước - tất cả đều bằng đá hoặc đục vào đá xây mặt thành.

Cửa Đông (Cửa Tả) dài 23,30m, sâu 13,40m, rộng 5,80m, vòm cuốn cao 6,80m.

Cửa phía Tây (Cửa Hữu) dài 19,30m, sâu 13,40m, rộng 5,70m, vòm cuốn cao 6,16m.

Tất cả các cửa Nam - Bắc - Đông Tây đều còn dấu vết hèm cửa trên đá, cho thấy xưa kia các cửa đều có cánh cửa đóng mở bằng gỗ

Thành Tây Đô chỉ là kinh thành trong một thời gian ngắn ngủi, và những toàn bộ kiến trúc trong thành đều bị phá hủy. Hiện trong thành chỉ là một màu xanh ngắt của đồng ruộng và ao hồ. Nhưng những gì còn lại vẫn là một chứng tích mạnh mẽ đến khó tin về khả năng con người và kỹ thuật xây dựng đá thời bấy giờ. Sử sách ghi lại thời gian thi công xây dựng ngắn tới mức kinh ngạc: 3 tháng. Cho tới giờ người ta vẫn chưa hiểu bằng cách nào mà Hồ Quý Ly cùng dân binh có thể gia công, vận chuyển, và xây lắp những phiến đá lớn cho một công trình quy mô như vậy trong khoảng thời gian kỉ lục? Lịch sử phong kiến Việt Nam gắn với nhiều thành trì, thành lũy; nhưng thành đá cùng kỹ thuật xây dựng như thành Tây Đô chỉ có một. Các nhà khoa học cũng nhận định: đây là tòa thành lớn nhất, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á; và là một trong rất ít thành đá còn lại trên thế giới. Hơn 600 năm tồn tại, Tây Đô như hiện thân bi tráng của một triều đại và một giai đoạn lịch sử để được người đời mãi nhắc đến với cái tên gọi là: “Thành Nhà Hồ”.

 

Thành Nhà Hồ sẽ là di sản UNESCO?

Thành nhà Hồ được công nhận di tích quốc gia từ năm 1962 nhưng đã có một thời gian dài bị quên lãng và thậm chí bị xâm hại. Từ cuối tháng 11/2006, tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho cụm di tích Thành Nhà Hồ; sở Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa là cơ quan thực hiện việc xây dựng hồ sơ. Bắt đầu thực hiện từ cuối 2006, bộ hồ sơ có sự góp sức của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thông tin), Viện Khảo cổ học cùng nhiều nhà nghiên cứu... Nhiều biện pháp bảo tồn được gấp rút triển khai như giải tỏa các công trình dân cư bên ngoài gần tường và cổng thành, gia cố một số vị trí xung yếu…

Vào ngày 29/9/2009, UNESCO đã nhận được hồ sơ khoa học đề cử Khu di tích Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam) là Di sản văn hóa thế giới.

“Thành Nhà Hồ” – Tây Đô một thủa - hoàn toàn có thể trở thành di sản văn hóa thế giới bởi những giá trị lớn lao mà nó đang chứa đựng cùng với những giá trị lịch sử từ quá khứ. Nhưng điều quan trọng nhất chính là nhận thức của chúng ta về những di sản mà chúng ta đang có, đang nắm giữ, những giá trị đích thực của di sản. Và lớn hơn nữa là thái độ trân trọng, gìn giữ di sản cho cả nhân loại hôm nay và mai sau.
              


Chú thích ảnh

- Thanh_Nha_Ho (01): Con đường đi vào cửa chính phía nam

 

 

- Thanh_Nha_Ho (02), (03): Cửa nam nhìn từ bên ngoài thành

 

- Thanh_Nha_Ho (04), (05): Đoạn tường thành phía ngoài sát cửa nam



- Thanh_Nha_Ho (06), (07), (08): Cửa nam nhìn từ phía trong thành

 


- Thanh_Nha_Ho (09): Trong lòng vòm giữa của cửa nam


- Thanh_Nha_Ho (10): Cửa Tây nhìn từ ngoài thành


- Thanh_Nha_Ho (11): Tường thành phía ngoài cửa Tây


- Thanh_Nha_Ho (12): Cửa Tây nhìn từ phía trong thành


- Thanh_Nha_Ho (13): Cửa Đông nhìn từ ngoài thành



- Thanh_Nha_Ho (14): Trong lòng cửa Đông, có thể thấy rõ hèm lõm sâu trên vách đá, là vị trí của cánh cửa gỗ xưa kia


- Thanh_Nha_Ho (15): Tường ngoài cửa Đông - những phiến đá ghép rất khít với nhau.  Nơi đây hiện đang giải tỏa một số công trình dân sinh xây dựng sát tường thành, nhằm trả lại cảnh quan cho di tích và phcụ vụ cho công cuộc bảo tồn, trùng tu.


- Thanh_Nha_Ho (16): Cửa Đông nhìn từ phía trong thành



- Thanh_Nha_Ho (17), (18): Đôi Rồng đá được phát hiện năm 1937 trong khu thành nội , hiện đang đặt trên trục đường  cửa Nam - Bắc của thành


- Thanh_Nha_Ho (19), (20): Cửa Bắc nhìn từ ngoài thành


- Thanh_Nha_Ho (25), (26): Dấu tích của khói lửa binh đao???


- Thanh_Nha_Ho (27): Trên mặt thành phía cửa Bắc nhìn ra ngoài


- Thanh_Nha_Ho (28): Đoạn tường thành cửa Bắc nhìn từ trên nóc cửa


- Thanh_Nha_Ho (29): Dấu tích chân cột ở thềm đá trên nóc cửa Bắc. Nơi đây trước kia có một kiến trúc gỗ dạng vọng lâu.


- Thanh_Nha_Ho (30): Từ cửa Bắc nhìn về phía cửa Nam. Trong thành các kiến trúc xưa không còn, giờ đây chỉ là màu xanh của đồng ruộng.

( Theo Travellive)

Nhà tuyển dụng hàng đầu

  • CTY CỔ PHẦN THỰC PHẨM DINH DƯỠNG NUTIFOOD
  • Công ty GreenFeed
  • Công ty Cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường
  • Công ty TNHH Agrivina
  • Công ty Cổ Phần đầu tư Thảo Điền
  • QSR VIET NAM
  • CÔNG TY CỔ PHẦN KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ SÀI GÒN
  • Công ty Cổ Phần Dược Phẩm Hoa Thiên Phú
  • Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM
  • CÔNG TY TNHH KỸ THUẬT HẠ TẦNG RCR VIỆT NAM
  • Willo Vietnam Co., Ltd
  • CÔNG TY TNHH OFIC  VIỆT NAM
  • Tập đoàn PPF
  • Công ty TNHH xi măng Holcim Việt Nam
  • Tập đoàn Nam Long
  • Công ty Pizza Hut Việt Nam
  • Công ty Interflour Việt Nam
  • Công ty CP Gỗ MDF VRG Dongwha